Bí thư Tỉnh ủy Võ Văn Thưởng đặt lẵng hoa và dâng hương tại đền thờ Trương Định


Sáng ngày 18/8, tại Đền thờ Anh hùng Dân tộc Trương Định, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Lễ dâng hương tưởng niệm nhân kỷ niệm 147 năm ngày Anh hùng dân tộc Trương Định tuẫn tiết (20/8/1864 – 20/8/2011). Đến dự có các đồng chí: Nguyễn Hòa Bình – Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, nguyên Bí Thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi; Võ Văn Thưởng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi; Phạm Minh Toản – Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đinh Thị Loan – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trần Thế Ngọc – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang, đại diện các sở, ban ngành tỉnh, huyện Sơn Tịnh, cán bộ và nhân dân xã Tịnh Khê. Vào ngày 17/8, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh cũng đã đến đặt lẵng hoa và dâng hương tưởng niệm tại Đền thờ Anh hùng dân tộc Trương Định.

Đ/c Võ Văn Thưởng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi và các đồng chí lãnh đạo tỉnh đặt lẵng  hoa và dâng hương tại đền thờ Trương Định. Ảnh: Vũ Thảo

Đ/c Võ Văn Thưởng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi và các đồng chí lãnh đạo tỉnh đặt lẵng hoa và dâng hương tại đền thờ Trương Định. Ảnh: Vũ Thảo

Phát biểu tại lễ tưởng niệm, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ – Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ôn lại những công lao to lớn của Anh hùng dân tộc Trương Định đối với quê hương, đất nước.

Năm Canh Thìn 1820, Anh hùng dân tộc Trương Định được sinh ra tại làng Tư Cung, lớn lên trong sự thương yêu đùm bọc, chia ngọt xẻ bùi của bà con xóm Khê Thượng, thôn Tư Cung.

Năm 24 tuổi, Trương Định theo cha vào Nam lập nghiệp, nhưng không phải theo con đường làm quan. Ông trở về quê hương chiêu dân vào lập đồn điền Gia Thuận (Gò Công), sau đó được triều đình nhà Nguyễn phong chức Phó Quản cơ, rồi Quản cơ, nên gọi là Quản Định. Năm Kỷ Tỵ 1859, thực dân Pháp đánh chiếm thành Gia Định, Quản Định đã đem cơ binh dưới quyền của mình phối hợp với quân triều đình để chống xâm lược, lập được nhiều chiến công và được phong làm Phó Lãnh binh Gia Định.

Năm Nhâm Tuất 1862, triều đình Huế ký hòa ước cắt ba tỉnh miền Đông Nam kỳ cho Pháp, thăng Trương Định giữ chức Lãnh binh An Hà (An Giang, Hà Tiên), rồi ra lệnh giải binh để đi nhận chức mới. Nhưng Trương Định đã cưỡng mệnh triều đình, ở lại với các thủ lĩnh nghĩa quân và nhân dân, kiên quyết chống Pháp. Thái độ dám xem nhẹ chức tước của triều đình và sẵn sàng cùng nghĩa quân đương đầu với quân xâm lược đã làm sáng ngời nghĩa cả vì dân vì nước, sáng ngời bản lĩnh, khí phách anh hùng của Trương Định. Với uy tín của mình, Trương Định được các thủ lĩnh nghĩa quân suy tôn làm Bình Tây Đại Nguyên soái. Được sự giúp sức, tham mưu của nhiều nghĩa sỹ, văn thân, trong đó có nhà thơ lớn Nguyễn Đình Chiểu, Trương Định chỉ huy nghĩa quân ở miền Đông Nam kỳ đương đầu với thực dân Pháp, gây cho Pháp nhiều tổn thất.

Sau hai năm gây cho quân xâm lược Pháp nhiều tổn thất, đêm 19 rạng sáng ngày 20 tháng 8 năm Giáp Tý 1864, do sự mật báo của tên phản bội Huỳnh Công Tấn, giặc Pháp đem quân đánh úp Trương Định. Bị trọng thương, Trương Định rút gươm tự vẫn để bảo toàn khí tiết. Sự hy sinh lẫm liệt của Trương Định đã gây xúc động sâu sắc đối với nghĩa binh và nhân dân, đối với nhân sỹ trí thức, không chỉ ở Nam Kỳ lục tỉnh mà còn ở cả nước.

Sau khi Trương Định hy sinh, nhân dân Gò Công và Nam bộ đã xây dựng mộ và đền thờ Trương Định, hương khói từ đó đến nay. Riêng ở quê gốc Quảng Ngãi, các dấu tích xưa đều đã bị đổ nát bởi chiến tranh ác liệt. Đến năm 2007, sau nhiều nỗ lực, tỉnh Quảng Ngãi đã xây dựng lại Đền thờ tại nơi ông sinh ra, để tưởng nhớ đến Người. Để kịp thời chuẩn bị cho Lễ dâng hương tưởng niệm nhân kỷ niệm 147 năm ngày Anh hùng dân tộc Trương Định tuẫn tiết, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo Ban quản lý di tích tỉnh hoàn thiện thêm các hạng mục tại Đền thờ Trương Định, bao gồm: Bổ sung, hình ảnh hiện vật tại nhà trưng bày, đào giếng nước ngọt để lấy nước sử dụng tại đền thờ, bó vỉa cây xung quanh khu vực, làm đường bê tông vào khu di tích…

BT


(Theo website Võ Văn Thưởng)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét