Phỏng vấn bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Võ Văn Thưởng: SỰ PHÁT TRIỂN CHỈ MANG LẠI Ý NGHĨA THỰC SỰ KHI NGƯỜI DÂN ĐƯỢC NO ẤM


Sinh tháng 12/1970, anh Võ Văn Thưởng được coi là một bí thư tỉnh ủy trẻ, dù chỉ còn mấy ngày nữa anh bước qua tuổi 42. Nhưng còn một tiêu chí khác về người lãnh đạo trẻ. Người lãnh đạo trẻ, theo đó, là trẻ về tư duy, trẻ về xúc cảm. Theo tiêu chí ấy, thì bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi là người trẻ.

Thanh Thảo: Xin chào bí thư tỉnh ủy Võ Văn Thưởng! Câu hỏi đầu tiên tôi muốn đặt ra với anh-trên tư cách người đứng đầu tỉnh Quảng Ngãi-là một câu hỏi về công nghiệp hóa và nông dân. Chúng ta phấn đấu tới năm 2020 căn bản trở thành một tỉnh công nghiệp. Nhưng ai cũng biết, công nghiệp hóa( trong đó có dịch vụ) tác động trực tiếp tới đời sống người nông dân, mà không chỉ là những tác động tích cực. Người nông dân đã và sẽ còn bị mất đất-tư liệu sản xuất chính-trong khi chưa chuyển được sang làm công nghiệp hay dịch vụ. Đời sống của họ đã và sẽ rất khó khăn. Anh có ý kiến gì về vấn đề này ?

Bí thư tỉnh ủy Võ Văn Thưởng: Công nhiệp hóa ở Quảng Ngãi là một tiến trình không thể khác. Muốn công nghiệp hóa, phải thu hút đầu tư, phải dành đất cho nhà đầu tư, cho nhà máy và các hoạt động dịch vụ. Và như thế, phải thu hồi một phần đất sản xuất nông nghiệp cho công nghiệp và dịch vụ. Vấn đề là phải làm thế nào để người nông dân sau khi bị thu hồi đất có thể chuyển đổi ngành nghề, được đào tạo để tham gia vào guồng máy công nghiệp hay dịch vụ. Chuyển dịch cơ cấu lao động là vấn đề lớn và là nhiệm vụ lớn mà tỉnh phải giải quyết trong tiến trình công nghiệp hóa. Việc xây dựng tác phong công nghiệp, tư duy công nghiệp cũng phải được tiến hành mạnh mẽ trong và ngoài đội ngũ công chức. Lợi ích của người dân, đặc biệt là lợi ích của người nông dân phải được đặt lên hàng đầu. Sự phát triển chỉ mang lại ý nghĩa thực sự nếu người dân được no ấm.

Thanh Thảo: Trên lý thuyết là như vậy. Nhưng trong khi người nông dân chưa kịp chuyển đổi thành…công nhân, thì làm sao giữ đất ruộng cho họ, cũng là bảo đảm an ninh lương thực cho tỉnh, thưa anh ?

Bí thư tỉnh ủy Võ Văn Thưởng: Phải phân loại đất dành cho công nghiệp, dịch vụ, và quan trọng hơn, phải giữ lại đất trồng lúa theo đúng qui định của nhà nước, từ đó mới bảo đảm được an ninh lương thực cũng như sự bình ổn cho đời sống của người nông dân. Với những người nông dân có đất thuộc diện phải thu hồi, thì dứt khoát phải tạo cơ hội tái định cư bằng và tốt hơn nơi ở cũ cho họ. Tái định cư đây không chỉ là xây dựng nhà ở, mà quan trọng hơn, là phải tạo được môi trường lao động để người dân tái định cư có thể làm ăn và có thu nhập tốt hơn từ nơi ở mới.

Thanh Thảo: Trong khi việc tái định cư chưa ổn thì những dự án treo luôn là vấn đề gây nhức nhối cho ngươi dân. Ý kiến anh về vấn đề nay thế nào ?

Bí thư tỉnh ủy Võ Văn Thưởng: Đó là tình hình có thật, nhưng là kết quả từ nhiều nguyên nhân. Do ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế thế giới, việc thu hút đầu tư gặp rất nhiều khó khăn. Lại có nguyên nhân từ môi trường đầu tư của tỉnh chưa thật sự thu hút. Cũng có nguyên nhân từ chính những nhà đầu tư, bắt nguồn từ thực lực của chủ đầu tư, khiến một số dự án đã đăng ký nhưng không thực hiện được. Và cũng có một số ít nhà đầu tư theo kiểu “xí chỗ” rồi chờ…bán lại. Sắp tới đây, tỉnh sẽ phải rà soát lại từng dự án đầu tư, đánh giá lại tính khả thi và thời hạn thực hiện mang tính hiệu lực của từng dự án. Cùng lúc, chúng tôi chia sẻ tối đa với những doanh nghiệp gặp khó khăn do tình hình kinh tế chung, và cũng nghiêm khắc với những nhà đầu tư thiếu thiện chí. Quảng Ngãi vẫn còn là tỉnh nghèo, vì vậy chúng tôi chắt chiu với từng cơ hội, tạo điều kiện cho từng nhà đầu tư muốn làm ăn tại đây. Nhưng, chính trong quá trình kêu gọi đầu tư chúng tôi cũng cần thực hiện việc sàng lọc, lựa chọn những lĩnh vực đầu tư. Làm sao để Quảng Ngãi có thể phát triển một cách bền vững, bảo vệ môi trường, chứ không phải kêu gọi đầu tư để lấy thành tích.

Thanh Thảo: Quan điểm của bí thư tỉnh ủy như thế là rất rõ ràng. Quảng Ngãi đã có một nhà máy lọc dầu Dung Quất(NMLDDQ) làm đầu tàu và động cơ cho sự phát triển công nghiệp. Nhưng nói như Tổng giám đốc NMLD Nguyễn Hoài Giang, thì “Nếu chúng ta vận hành tốt một NMLD lớn như thế này mà người dân bên ngoài hàng rào nhà máy vẫn nghèo khổ thì sự tồn tại của NMLD cũng không có ý nghĩa gì”. Từ đó, càng thấy công cuộc xóa đói giảm nghèo cho người dân Quảng Ngãi là một sự nghiệp lớn và rất khó khăn. Ý anh sao ạ ?

Bí thư tỉnh ủy Võ Văn Thưởng: Tỉnh Quảng Ngãi còn 6 huyện miền núi thuộc diện huyện nghèo trong cả nước, với tỉ lệ hộ nghèo lên tới hơn 50%. Nếu cộng thêm hộ cận nghèo, con số sẽ khiến ta phải giật mình: 70%. Con số ấy kéo tỉ lệ hộ nghèo trong toàn tỉnh lên tới 21%. Giảm nghèo, vì thế, là một sự nghiệp lớn của toàn Đảng toàn dân Quảng Ngãi. Và không thể hoàn thành nó trong một thời gian ngắn. Với đồng bào các dân tộc thiểu số của tỉnh, muốn giảm nghèo bền vững thì phải giao đất giao rừng cho dân quản lý, để người dân có thể sống được từ đất và rừng. Phải tư vấn cặn kẽ và hiệu quả về khoa học kỹ thuật nông nghiệp cho họ, theo cách nói bây giờ là “trao cho họ chiếc cần câu”. Nhưng phải là “cần câu thứ thiệt” có thể câu được “cá”. Tổ chức cho con em người dân tộc học nghề, giải quyết việc làm cho họ cũng là nhằm giúp họ thoát nghèo bền vững. Cùng lúc, là đầu tư mạnh mẽ để phát triển giáo dục và nâng cao dân trí ở những vùng dân tộc ít người. Với các vùng nông thôn, thì phải giữ lại tỉ lệ đất trồng lúa hợp lý, cân đối với đất dành cho công nghiệp và dịch vụ. Phải nâng cao hiệu quả của các tổ chức khuyến nông, chống dịch bệnh có hiệu quả, giúp cho nông dân nâng cấp được chất lượng cây trồng và vật nuôi nhằm có lãi tương đối cao khi bán ra thị trường cũng là biện pháp tích cực chống tái nghèo.

Thanh Thảo: Nhà nước và tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân Quảng Ngãi, nhưng làm sao để những chính sách ấy trực tiếp tới được ngư dân, thưa anh ?

Bí thư tỉnh ủy Võ Văn Thưởng: So với cả nước, ngư dân Quảng Ngãi là lực lượng đánh bắt thủy hải sản trên biển có truyền thống, có tay nghề và kinh nghiệm cao. Trong tổng số tàu trên 90CV chuyên đánh bắt xa bờ của cả nước, thì lượng tàu của Quảng Ngãi chiếm 1/15. Trong thực tế, ngư dân Quảng Ngãi còn là lực lượng nhân dân tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia. Sự hiện diện của ngư dân Quảng Ngãi trên những vùng biển như Hoàng Sa, Trường Sa chính là sự khẳng định chủ quyền Việt Nam ở những vùng biển đảo ấy. Thế nhưng, rút kinh nghiệm từ dự án đầu tư đánh bắt xa bờ chưa thành công những năm trước đây, cần phải có kế hoạch đầu tư và hỗ trợ đồng bộ cho ngư dân. Hình thức hỗ trợ có thể phong phú, nhưng phải thực tế và hiệu quả, chứ đừng như chuyện đòi hỏi ngư dân phải có giấy xác nhận từ trên biển để có thể nhận tiền hỗ trợ xăng dầu. Việc hỗ trợ tín dụng cho ngư dân cũng phải được thực hiện một cách hiệu quả, đưa tiền tới đúng tay ngư dân đang cần vay tiền để đầu tư đóng mới hay nâng cấp tàu thuyền. Cùng lúc, phải có kế hoạch xây dựng thương hiệu thủy sản đủ mạnh cho xuất khẩu, giúp ổn định “đầu ra” cho sản phẩm của ngư dân. Tỉnh đã liên kết một số Tổng Cty ở TP HCM với ngư dân Quảng Ngãi để xây dựng thương hiệu thủy sản cho Quảng Ngãi. Việc đầu tư cảng, âu tàu, bến trú bão là phúc lợi của nhà nước dành cho ngư dân, phải thực hiện cho thật tốt để phát huy tác dụng cao nhất.

Thanh Thảo: Như thế, câu chuyện của chúng ta cũng đã “lên rừng xuống biển” rồi. Bây giờ xin hỏi bí thư một câu hỏi nhỏ, anh đánh giá thế nào về đội ngũ nhà báo và hoạt động truyền thông trong tỉnh ?

Bí thư tỉnh ủy Võ Văn Thưởng: Tôi thường xuyên theo dõi báo đài trong tỉnh, cũng như đọc một số báo TƯ có phóng viên đứng chân trên địa bàn tỉnh. Nói thật thế này: chúng ta có một lực lượng các nhà báo giỏi, giàu tiềm năng, và thực sự giúp cho tỉnh không chỉ về tuyên truyền đường lối chính sách, mà còn là những phản ánh kịp thời và trung thực những vấn đề còn chưa được của tỉnh. Tôi rất quan tâm tới những vấn đề mà báo đài nêu ra, luôn yêu cầu phải kiểm tra để xử lý kịp thời. Lực lượng nhà báo thì mạnh, nhưng chúng ta vẫn thiếu những ấn phẩm báo chí có sức thu hút với bạn đọc, xứng tầm với một tỉnh đang trên đà phát triển. Điều đó cần phải được thay đổi.

Thanh Thảo: Anh mới “từ xa về đây” chưa lâu, vậy anh đã cảm thấy mình “quen” và “chịu” được tính khí của người Quảng Ngãi chưa ?

Bí thư tỉnh ủy Võ Văn Thưởng: Tôi chưa gặp vấn đề khó khăn nào khi “hòa nhập” vào Quảng Ngãi cả. Trái lại, tôi đã bắt đầu yêu vùng đất giàu truyền thống và giàu cả tình yêu này. Tôi cũng đã “ăn chịu” với tính cách của người Quảng Ngãi, dù chưa thể nói ngay là đã hiểu hết người Quảng Ngãi. Nhưng tôi tin, khi mình tới đây với tình yêu và lòng chân thành, mình sẽ được đền đáp (cười).

Thanh Thảo: Cảm ơn anh vì cuộc trò chuyện cởi mở này.

Thực hiện: Thanh Thảo

0 nhận xét:

Đăng nhận xét