Đồng chí Võ Văn Thưởng tham dự hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết 42


Sáng 26/10, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã triệu tập Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết 42 của Bộ Chính trị khóa IX về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước; Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị về công tác luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Đồng chí Võ Văn Thưởng-Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi phát biểu tại hội nghị.

Đồng chí Võ Văn Thưởng-Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi phát biểu tại hội nghị.

Các đồng chí Võ Văn Thưởng-UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ; Phạm Minh Toản- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; Cao Khoa- Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Nguyễn Minh, Phó Bí thư Tỉnh uỷ đồng chủ trì hội nghị.

Dự hội nghị còn có các Uỷ viên Ban chấp hành Tỉnh uỷ, Thường trực HĐND tỉnh; Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; thủ trưởng các sở, ban ngành, mặt trận, các hội đoàn thể; lãnh đạo các huyện, thành uỷ, Đảng uỷ trực thuộc Tỉnh uỷ…

Các đồng chí chủ trì hội nghị.

Các đồng chí chủ trì hội nghị.

Báo cáo tổng kết Nghị quyết 42 của Bộ Chính trị về công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, do đồng chí Nguyễn Thanh Quang- Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh uỷ trình bày nêu rõ:

Sau khi NQ 42 được ban hành, việc tổ chức học tập, quán triệt NQ và các văn bản hướng dẫn của TƯ, của tỉnh nghiêm túc, đúng tiến độ thời gian. Hầu hết các cấp ủy đảng, đội ngũ cán bộ chủ chốt, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương đã nhận thức rõ mục đích yêu cầu, quan điểm, nguyên tắc quy hoạch và tạo được sự thống nhất, đồng tình cao trong cán bộ, đảng viên.

Trong quá trình tổ chức quy hoạch cán bộ, các cấp uỷ Đảng luôn bám sát mục đích yêu cầu của Nghị quyết 42 đề ra, trong đó chú trọng việc quy hoạch cán bộ lãnh đạo quản lý để làm cơ sở cho việc quy hoạch cán bộ cấp uỷ và các chức danh chủ chốt. Cấp dưới xây dựng quy hoạch cán bộ lãnh đạo quản lý để làm cơ sở cho nguồn quy hoạch cấp uỷ và các chức danh chủ chốt của cấp trên. Nhờ đó, đã tạo được sự chủ động, khắc phục tình trạng hẫng hụt đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý, bảo đảm tính kế thừa phát triển và sự chuyển tiếp liên tục giữa các thế hệ cán bộ, giữ vững đoàn kết nội bộ.

Nhờ làm tốt công tác quy hoạch và công tác đào tạo bồi dưỡng nên đội ngũ cán bộ các cấp từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn đã có bước phát triển mạnh về số lượng và chất lượng, tạo thế chủ động trong việc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, đặc biệt là phục vụ tốt cho Đại hội Đảng các cấp và công tác nhân sự, bầu cử HĐND và UBND các cấp.

Trong thời gian tới, các cấp uỷ Đảng tiếp tục tổ chức thực hiện tốt công tác quy hoạch cán bộ theo Nghị quyết 42, đổi mới phương pháp, phát hiện nguồn quy hoạch cán bộ, nội dung và quy trình công tác quy hoạch. Định hướng quy hoạch cán bộ lãnh đạo quản lý nhiệm kỳ 2015-2020 từ cơ sở đến tỉnh theo hướng tăng tỷ lệ cán bộ nữ ít nhất 20%, cán bộ trẻ ít nhất 30% trong cấp uỷ và Ban thường vụ cấp uỷ, tỷ lệ cán bộ người dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi ít nhất 50% trong cấp uỷ.

Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị về công tác luân chuyển cán bộ lãnh đạo quản lý nêu rõ: Trên cơ sở công tác quy hoạch cán bộ đã được phê duyệt, các cấp uỷ đã tiến hành rà soát, đánh giá thực trạng và chất lượng đội ngũ cán bộ, xây dựng phương án điều động, luân chuyển để tăng cường cán bộ về cơ sở đảm bảo đúng chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Đối tượng cán bộ được luân chuyển là những cán bộ quản lý ở các cơ quan Đảng, chính quyền, mặt trận, các hội, đoàn thể thuộc diện ban thường vụ cấp uỷ quản lý còn trong độ tuổi, chưa kinh qua các chức vụ lãnh đạo chủ chốt cấp dưới, trong diện quy hoạch các chức danh lãnh đạo quản lý các cấp. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến đội ngũ cán bộ trẻ có triển vọng nhằm tạo cho họ có môi trường thực tiễn để rèn luyện, trưởng thành về mọi mặt.

Từ năm 2002 -2011 toàn tỉnh đã luân chuyển được 168 cán bộ. Cán bộ thuộc diện luân chuyển đã chấp hành nghiêm sự phân công của tổ chức, nhanh chóng tiếp cận với công việc mới, nắm bắt tốt tình hình và cùng với cấp uỷ lãnh đạo có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Cán bộ luân chuyển hầu hết được cơ cấu vào cấp uỷ, Ban Thường vụ cấp uỷ, giữ các chức vụ lãnh đạo chủ chốt ở các địa phương, đơn vị, được phân công phù hợp với sở trường và năng lực, được đánh giá là hoàn thành xuất sắc chức trách và nhiệm vụ được giao, năng lực lãnh đạo quản lý của cán bộ luân chuyển được nâng lên rõ rệt.

Thời gian tới, tỉnh sẽ xây dựng kế hoạch xác định đối tượng, độ tuổi của cán bộ luân chuyển. Ưu tiên luân chuyển cán bộ đã được quy hoạch dự nguồn các chức danh cán bộ quản lý có trình độ năng lực và khả năng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Tiếp tục triển khai Đề án “Đào tạo, tuyển chọn, chuẩn hoá đội ngũ cán bộ chủ chốt ở xã, phường, thị trấn”; Đề án “Tuyển chọn, bổ sung và tạo nguồn cán bộ lãnh đạo trẻ cấp tỉnh, cấp huyện giai đoạn 2011-2015 và những năm tiếp theo”…

Chiều 26/10, Hội nghị Tỉnh uỷ  tiếp tục nghe và thảo luận báo cáo sơ kết thực hiện Nghị quyết 22 của Trung ương về “Nâng cao năng lực lãnh đạo sức chiến đấu của tổ chức Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên”; Chỉ thị số 10 của Ban Bí thư về “Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ” và thông báo nhanh về kết quả Hội nghị Trung ương 3 (khoá XI).

Về kết quả sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 22 và gần 4 năm thực hiện Chỉ thị số 10, báo cáo nêu rõ: Qua học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết 22, Chỉ thị số 10, đa số đảng viên nhận thức được và thống nhất cao những nội dung cơ bản và quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên mà Nghị quyết 22 đã đề ra.

Nghị quyết 22, Chỉ thị 10 và các kế hoạch triển khai thực hiện của Tỉnh ủy, Ban thường vụ Tỉnh ủy đã đáp ứng kịp thời những vấn đề đặt ra từ cơ sở. Nhiều nội dung quan trọng của Nghị quyết 22, Chỉ thị 10 được thể chế hóa kịp thời. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương trong việc sắp xếp lại các loại hình tổ chức cơ sở đảng cho phù hợp với vị trí, tính chất của từng địa phương, đơn vị, tích cực xây dựng và củng cố các đoàn thể, phát huy vai trò hạt nhân cơ sở.

Cấp ủy, chính quyền, hội đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đã có nhiều chủ trương, giải pháp cụ thể để thực hiện Nghị quyết 22, Chỉ thị số 10 của Ban Bí thư gắn kết với thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Trong đó có những chủ trương, giải pháp mang tính đột phá như Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy khóa XVII về phát triển kinh tế-xã hội các huyện miền núi của tỉnh giai đoạn 2006-2010; Nghị quyết 06 của Tỉnh ủy khóa XVII về phát triển nguồn nhân lực…

Phần lớn cán bộ, đảng viên được rèn luyện qua thực tiễn nên có kinh nghiệm, năng lực công tác tốt và tiếp tục được phát huy trong thời kỳ đổi mới. Nhận thức của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, của cán bộ, đảng viên về vị trí, vai trò của tổ chức đảng trong hệ thống chính trị ở cơ sở ngày càng sâu sắc hơn. Trong hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, các ngành, các cấp đã quan tâm hướng về cơ sở, tạo điều kiện giúp cơ sở đổi mới và phát triển…

Phát biểu kết luận tại hội nghị, đồng chí Võ Văn Thưởng- UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ nhấn mạnh: Nghị quyết 42 và 11, 22 của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 10 của Ban Bí thư đã được Ban thường vụ Tỉnh ủy tiếp thu triển khai một cách có hiệu quả.

Việc thực hiện Nghị quyết 42 cho thấy, hầu hết các cấp ủy đảng, đội ngũ cán bộ chủ chốt, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương đã nhận thức rõ mục đích yêu cầu, quan điểm, nguyên tắc quy hoạch và tạo được sự thống nhất, đồng tình cao trong cán bộ, đảng viên. Tuy nhiên, công tác quy hoạch còn nhiều hạn chế, nhiều nơi vẫn còn việc người đứng đầu chưa coi trọng công tác quy hoạch, còn khép kín tại địa phương; việc quy hoạch quá nhiều người cho một chức danh, bên cạnh đó, nhiều nơi quy hoạch thiếu nữ, trẻ và cán bộ người dân tộc thiểu số…

Nghị quyết 22 và Chỉ thị 10 tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương trong việc sắp xếp lại các loại hình tổ chức cơ sở đảng cho phù hợp với vị trí, tính chất của từng địa phương, đơn vị. Các nhóm giải pháp, nhiệm vụ đã được cụ thể hóa gắn với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và mang lại kết quả cao.

Tuy nhiên bên cạnh đó, việc đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của một số cấp ủy cơ sở vẫn chưa theo kịp yêu cầu, còn lúng túng, bị động trong khâu củng cố, kiện toàn cấp ủy, tổ chức đảng. Công tác nhận xét, đánh giá cán bộ có nơi chưa đúng thực chất, vẫn còn tình trạng nể nang. Một số chi đảng bộ chưa coi trọng việc thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; chính sách cho cán bộ cơ sở còn nhiều hạn chế.

M.Toàn(Theo QuangNgai)


(Theo website Võ Văn Thưởng)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét