Phóng viên tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng- vất vả và đam mê


Điều mà chúng tôi muốn đề cập đến trong bài báo này là những phóng viên tháp tùng Thủ tướng thăm các nước như chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mới đây đến 3 nước châu Âu: Vương quốc Hà Lan, Uzbekistan và Ukraina. Với họ, những chiếc máy quay hay máy ảnh dường như đè nặng trên vai trong suốt chặng hành trình tháp tùng Thủ tướng…

Tác giả và Đại tá Trần Nam Chương (Bộ Tư lệnh Cảnh vệ - Bộ Công an) cùng tháp tùng Thủ tướng thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraina.

Tác giả và Đại tá Trần Nam Chương (Bộ Tư lệnh Cảnh vệ - Bộ Công an) cùng tháp tùng Thủ tướng thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraina.

Làm báo thời đất nước đổi mới và hội nhập, thi thoảng tôi lại có chuyến đi tháp tùng các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta thăm hữu nghị chính thức một số nước thuộc các châu lục; vừa mới đây là chuyến thăm ba nước châu Âu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại ba quốc gia: Vương quốc Hà Lan, Cộng hòa Uzbekistan và Ukraina.

Mỗi chuyến đi là mỗi lần tích tụ thêm kiến thức và sự hiểu biết về nền văn hóa, tiềm năng của đất nước và con người nơi đây. Qua những chuyến đi như thế thêm một lần nữa giúp chúng tôi có cơ sở để nhìn trở lại đất nước của mình để rồi sau đó là niềm tự hào, tự tôn dân tộc – một Việt Nam mà ở đầu thế kỷ trước còn chưa có tên trên bản đồ thế giới; vậy mà hôm nay được cả thế giới khâm phục, không chỉ trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do mà cả trong cuộc chiến chống đói nghèo và tụt hậu; một Việt Nam đổi mới, hòa bình, ổn định và thân thiện.

Phóng viên tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng .

Phóng viên tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng .

Vẫn cụm từ “chào đồng chí”

Tham gia đoàn phóng viên tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức các nước bạn bè truyền thống hàng ngày ngoài việc phải bám sát các hoạt động của Thủ tướng tại nước sở tại để thông tin cho độc giả trong nước, với tôi, tôi luôn để tâm đến các câu chuyện ngoài lề, các cử chỉ, lời nói, câu chào thể hiện tình cảm từ người đồng cấp với Thủ tướng ta.

Lần này cũng vậy, khi Thủ tướng và phu nhân vừa bước xuống sân bay quốc tế ở Thủ đô Taskent, Cộng hòa Uzbekistan, Thủ tướng chủ nhà Miziyoyev đã ra tận cầu thang máy bay đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Tại sân bay cũng như trong phòng khách VIP của sân bay, những câu chuyện thân tình vừa mang tính xã giao, vừa ẩn chứa tình cảm nồng ấm và ở đó 2 từ “đồng chí” trong giao tiếp của 2 người đứng đầu 2 chính phủ lại có dịp được nhắc đến, khiến những người có mặt hôm ấy ai cũng thấy ấm lòng.

Điều đó xem ra cũng đúng thôi, bởi vừa đúng 20 năm sau khi Liên Xô và khối XHCN ở các nước Đông Âu tan rã, thể chế chính trị tại nước Cộng hòa Uzbekistan cũng như các nước cộng hòa khác thuộc Liên bang Xô viết đã thay đổi; giờ đây việc xưng hô với nhau là đồng chí quả thực gợi lại cho mỗi người chúng ta một tình cảm đầm ấm. Đó là mối tình vừa là đồng chí, vừa là anh em. Ấn tượng ấy khiến tôi nhớ lại cách nay vừa đúng 11 năm, vào mùa thu năm Canh Thìn, tôi cũng được cử đi tháp tùng Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải thăm 3 nước châu âu; trong đó có Liên bang Nga.

Trong những ngày ở trên đất Nga dịp ấy, theo lịch trình, Thủ tướng và phu nhân cùng các thành viên trong đoàn đã đến thăm Học viện Kinh tế Plêkhanốp ở thủ đô Moskva, nơi mà Thủ tướng từng theo học trong những năm đầu của thập kỷ 60, thế kỷ XX.Buổi sáng hôm đó, sau lễ trao Huân chương Hữu nghị của Nhà nước Việt Nam cho các viện sĩ, giáo sư, giám đốc học viện, cả hội trường lặng đi khi nghe các giáo sư đầu ngành ở đây phát biểu về cảm nghĩ của mình: Về nước Nga và về Việt Nam. Chúng tôi – những phóng viên Việt Nam và các bạn người Nga, ai nấy đều ngạc nhiên khi một giáo sư mở đầu bằng cụm từ: “Chào các đồng chí Việt Nam”.

Ông nói như nấc nghẹn và những cảm xúc ngập tràn bởi tình cảm đằm thắm ông đã dành cho đất nước và con người Việt Nam. Dường như phát hiện thấy mọi người ngạc nhiên khi mình đưa ra cụm từ ấy, ông chủ động giải thích: “Sở dĩ tôi muốn dùng từ “đồng chí” để mong sao những người bạn Việt Nam có mặt ở diễn đàn này thấu hiểu cho nỗi lòng của chúng tôi. Thế giới, nước Nga dù có thay đổi thế nào, song trái tim của chúng tôi vẫn coi Việt Nam là người bạn thân thiết. Chúng ta đã có với nhau hơn nửa thế kỷ chia ngọt sẻ bùi, gian khổ có nhau, vậy thì tại sao lại phải xa nhau”.Tiếp nối những tình cảm nồng hậu ấy, một giáo sư đầu ngành khác nói: “Những năm qua, từ học viện này đã có hàng nghìn học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh, thực tập sinh Việt Nam tốt nghiệp, nhiều người giờ đây đã giữ những trọng trách quan trọng ở Việt Nam. Và cũng trong thời gian đó, nhiều giáo sư của Học viện đã sang công tác tại Việt Nam; giảng bài hoặc tham dự nhiều diễn đàn khác. Chúng tôi đã ăn bữa cơm Việt Nam và chia sẻ cùng Việt Nam những lúc khó khăn, hoạn nạn.

Bây giờ khi theo dõi tiến trình đổi mới ở Việt Nam, chúng tôi mới hiểu ra rằng, tại sao lãnh đạo Việt Nam không đi theo con đường cải tổ ở Liên Xô trước đây? Tại sao Việt Nam từ một nước bị bao vây, cấm vận; bị chiến tranh tàn phá nặng nề mà vẫn đứng vững và vươn lên giành vị thế cao trên thương trường quốc tế? Và tại sao từ một nước hàng năm phải đi xin viện trợ lương thực từ Liên Xô trước đây, nay đã trở thành quốc gia xuất khẩu gạo đứng thứ 2 thế giới; một quốc gia có tốc độ giảm đói nghèo nhanh nhất?”. Rồi ông khẳng định thay cho lời kết của mình: “Dẫu thời gian có trôi đi, thế giới dù có thay đổi như thế nào, nhưng tôi nghĩ: Hai tiếng “Liên Xô” ngày nào vẫn là một biểu tượng tốt đẹp luôn bên cạnh các đồng chí Việt Nam”.Đến lượt mình, ông Viện sĩ, Giám đốc Học viện, sau khi nhận Huy chương Hữu nghị của Nhà nước ta, xúc động nói: “Qua những năm đổi mới thành công ở Việt Nam, chúng tôi đã nghiên cứu và học tập. Rồi đây, theo kế hoạch đã đề ra, Học viện sẽ mời các chuyên gia kinh tế Việt Nam, trong đó có cả cá nhân Thủ tướng sang đọc bài giảng và trao đổi kinh nghiệm với Học viện”.

Tương tự như vậy, khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng  và đoàn đại biểu Chính phủ ta đến thăm nước Cộng hòa Belarus, hai từ “đồng chí” ở đây tuy không thể hiện trên bàn Hội đàm hoặc trong các cuộc tiếp xúc tay đôi nhưng bỏ qua những thủ tục, lễ nghi mà Bộ Ngoại giao hai nước đã đệ trình, Tổng thống Lukasencô đã làm một việc khá bất ngờ so với chương trình đã được chuẩn bị sẵn từ nhà là tiếp và hội kiến với Thủ tướng ta trước khi diễn ra cuộc hội đàm chính thức giữa hai Thủ tướng hai nước. Điều thú vị là khi tiếp Thủ tướng nước ta, Tổng thống Lukasencô thổ lộ: “Trên nghi thức ngoại giao, chúng ta gọi nhau là ngài, nhưng thực chất trong lòng chúng tôi vẫn coi Việt Nam là những đồng chí, là người anh em”.

Vất vả và đam mê.

Thường thì đoàn phóng viên tháp tùng các đoàn cấp cao thăm chính thức các nước có khoảng trên dưới 20 người. Ngoài các phóng viên chuyên trách thuộc các cơ quan báo chí: Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình quốc gia, Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Nhân dân, Hãng phim Thời sự và Tài liệu Trung ương; còn có phóng viên một vài tờ báo khác. Hoàn toàn không như một số người nghĩ, phóng viên đi tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng  đơn thuần là để giải quyết “khâu oai” mà thực sự đó là những ngày tác nghiệp vất vả và đắm say, trách nhiệm và chuyên nghiệp.

Khác với đoàn doanh nghiệp và một số người trong đoàn tùy tùng, đoàn phóng viên tháp tùng Thủ tướng trước ngày lên đường đã được Vụ Thông tin báo chí (Bộ Ngoại giao) mời đến cung cấp một vài tư liệu về đất nước mà đoàn đến thăm và định hướng về công tác tuyên truyền. Đây chính là cơ sở để các cơ quan báo chí đưa đến bạn đọc những bài viết về đất nước và con người ở các quốc gia mà đoàn sẽ đến thăm.

Với các nước bạn bè truyền thống, việc làm thủ tục để nhập cảnh vào các quốc gia này không có vấn đề gì, nhưng với các nước như Hoa Kỳ thì để có được visa nhập cảnh vào đất nước họ là cả một vấn đề phức tạp và mất công đi lại để các nhân viên tòa Đại sứ Mỹ ở Hà Nội thực hiện các công việc: Từ phỏng vấn đến lấy mẫu vân tay để ken vào hộ chiếu. Người đã có một vài lần nhập cảnh vào Mỹ xem ra còn bớt đi được những thủ tục, còn với những người mới đi lần đầu theo quy định của Sứ quán Mỹ khi đến làm thủ tục xin visa vào Mỹ phải mang theo ít ra là vài loại giấy tờ như giấy đăng ký kết hôn, giấy chủ quyền nhà… Đó là chưa kể đến những đoạn trường kiểm tra, an ninh khi nhập cảnh cũng như những cung đoạn tác nghiệp trên đất nước họ, mặc dù các nhân viên an ninh Mỹ biết chắc đó là các phóng viên tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng  sang thăm chính thức Hoa Kỳ theo lời mời của Tổng thống Mỹ.

Điều mà chúng tôi muốn đề cập đến là trong đoàn phóng viên tháp tùng Thủ tướng thăm các nước như chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mới đây đến 3 nước châu Âu: Vương quốc Hà Lan, Uzbekistan và Ukraina thì những người vất vả nhất trong quá trình tác nghiệp ở 3 nước mà đoàn đến thăm, trước hết phải kể đến phóng viên Lê Ngọc Tuấn, phóng viên quay phim của Đài Truyền hình Việt Nam; Hoàng Dũng, phóng viên quay phim Hãng phim thời sự, tài liệu Trung ương. Với họ, chiếc máy quay nặng gần 20kg dường như đè nặng trên vai trong suốt chặng hành trình tháp tùng Thủ tướng.

Tương tự như thế Nguyễn Đức Tám, phóng viên ảnh của Thông tấn xã Việt Nam treo trên cổ là 2 chiếc máy ảnh với bộ ống kính dài cỡ 30cm. Dường như đã nhận rõ trách nhiệm của mình khi máy bay dừng bánh họ đã có mặt sẵn ở cửa phía sau máy bay, cửa mở, cầu thang nối ráp là họ vội vàng chạy xuống để chọn vị trí nhằm thu vào ống kính những hình ảnh đầu tiên về diễn biến của cuộc đón tiếp của phía bạn cùng đại diện cộng đồng người Việt đối với Thủ tướng và phu nhân cùng các thành viên trong đoàn. Họ cũng là người theo sát từng sự kiện, từng hoạt động của Thủ tướng trong suốt thời gian diễn ra chuyến thăm trên đất bạn.

Kết thúc ngày làm việc, các phóng viên thuộc các cơ quan báo chí tranh thủ viết tin, bài gửi về nước để kịp phục vụ độc giả thì 2 phóng viên Nguyễn Đức Tám và Lê Ngọc Tuấn cũng phải chọn và biên tập hình ảnh để phát về nước. Nhiều ngày do công việc gấp gáp, các hoạt động của Thủ tướng và các thành viên trong đoàn ken chặt và chính xác đến từng phút, có khi từ 8h sáng đến tận 10h đêm, các phóng viên tháp tùng Thủ tướng khi về đến khách sạn chỉ kịp ăn bát mì tôm rồi lại lao vào công việc. Thậm chí có ngày hoàn tất các công việc thì đã 2 hoặc 3 giờ sáng. Riêng với phóng viên ảnh Nguyễn Đức Tám có ngày quên cả tô mì tôm vào buổi trưa, anh phải đưa lên xe ôtô vừa ngồi trên xe, vừa ăn.

Còn một người nữa mà hàng ngày chạy đôn, chạy đáo để giúp các phóng viên tháp tùng Thủ tướng tác nghiệp thuận lợi là Phó Vụ trưởng Vụ Thông tin báo chí, Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng. Chính chị là đầu mối cung cấp các thông tin chính thống giữa Bộ Ngoại giao 2 nước đến với các phóng viên trong đoàn, quan hệ với các cơ quan quản lý truyền thông của nước bạn để cung cấp thêm các thông tin cho phóng viên.

Cũng như các sự kiện chính trị quan trọng diễn ra ở trong nước, những phóng viên tháp tùng các đoàn cấp cao thăm chính thức nước ngoài thường phải có mặt trước 30 phút khi sự kiện diễn ra. Nói vậy, nhưng cũng có lúc bị trục trặc do chiếc xe chở đoàn phóng viên bị kẹt xe giữa đường nên khi tới nơi thì sự kiện đã và đang diễn ra.

Để chữa cháy anh Nguyễn Bắc Son, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông và là thành viên trong đoàn đại biểu Chính phủ ta đã phải làm phóng viên bất đắc dĩ để ghi lại những hình ảnh Thủ tướng và các thành viên trong đoàn tham dự lễ đặt vòng hoa tại tượng đài các anh hùng liệt sĩ vô danh tại Thủ đô Kiev (Ukraina).Vất vả là thế, song những phóng viên tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ai cũng thấy vui và đắm say với công việc của mình.


(Theo website Võ Văn Thưởng)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét